Monday, March 31, 2014

Du ký miền Tây (P2)

(Tiếp theo) - Ngày thứ hai, quãng đường ngắn lại đáng kể khi chúng tôi chỉ việc chạy thẳng từ Bạc Liêu tới Cà Mau, xuống huyện Năm Căn.

< Tượng đài đất mũi tại trung tâm thành phố Cà Mau.

Lịch trình: Tỉnh Bạc Liêu – tỉnh Cà Mau (70km) – Đất Mũi (70 km) – TP Cà Mau (70km). Tổng số: khoảng 210km.

Khởi đầu không mấy suôn sẻ khi xe của tôi bị thủng xăm. Rất may là bên đường có nhiều quán sửa xe. Vá xe ở đây cũng rất khác lạ, với những dụng cụ trông khá thô sơ, dùng cả bếp lửa để hơ nóng săm xe. Tiếp đến là việc chúng tôi bị bắn tốc độ gần thành phố Cà Mau.

< Ngôi chùa theo kiến trúc Khmer (ngay ngã ba đi Năm Căn).

Một người bạn "xin xỏ" rất hài hước: “Chú thông cảm, cháu đang trên đường đi vào TP Cà Mau thì thấy biển còn cách Cà Mau 6km. Cháu phấn khởi quá nên chạy nhanh chút…”. Tất nhiên là chúng tôi vẫn bị phạt nhưng nhẹ nhàng thôi. Sau vụ đó chúng tôi đi từ tốn hơn hẳn.

< Ngồi vỏ đi giữa mênh mang sông nước.

Tuyến đường xuống huyện Năm Căn khá thuận lợi, thông thoáng. Để đi từ Năm Căn ra tới điểm cực Nam có ba phương án.

< Cây xăng miền sông nước. Tiếp xăng cho các vỏ lãi nơi đây.

< Cảm giác ngồi đầu vỏ để tận hưởng những cơn gió thật là tuyệt. Ngồi vỏ lãi bạn sẽ được hòa mình với thiên nhiên...

Một là đi tàu cao tốc chở khách, mỗi vé vài trăm ngàn đồng. Hai là thuê ca nô đi riêng giá tầm 2,5 triệu đồng. Ba là thuê vỏ lãi giá tầm 1,5 triệu đồng trọn chuyến. Đi tàu và cano thì rất nhanh mà giá cũng khá cao. Chúng tôi thống nhất phương án ba, vừa giảm kinh phí lại vừa được trải nghiệm sông nước nhiều hơn.

Nói thêm về vỏ lãi, ban đầu tôi cũng nghe rất lạ tai và rất tò mò không biết nó ra sao. Thực ra nó là tên gọi của ghe thuyền làm bằng composite, có gắn động cơ sau.

< Những rừng đước, mắm với bộ rễ vững chãi đâm xuyên xuống lớp bùn.

Quá trình đàm phán thuê vỏ cũng khá thành công. Có nhiều nhà vỏ tranh nhau khách nên chúng tôi được hưởng lợi. Cuối cùng chúng tôi với 12 người trên một vỏ lãi vừa vui lại giá phải chăng. Ngồi vỏ lãi khá chòng chành nhưng an toàn vì đủ số lượng áo phao, vả lại tốc độ di chuyển cũng không quá nhanh.

< Giao thông, vận chuyển nơi đây phần lớn diễn ra trên mạng lưới kênh rạch.

Chúng tôi được tự do hòa mình vào thiên nhiên, được luồn lách qua những khe rạch bé xíu ngắm nhìn cận cảnh sông nước và cuộc sống sinh hoạt nơi đây.

< Nếu như người dân vùng đồng bằng sử dụng xe máy là phương tiện đi lại thì tại đây lại là chiếc ghe máy (địa phương thường gọi là chiếc vỏ lãi).

< Mọi sinh hoạt, vận chuyển đều diễn ra trên mạng lưới kênh rạch.

Trong quá trình di chuyển, chúng tôi thấy khá nhiều vỏ lãi khác đang đi chợ, chở hàng… nhộn nhịp ngược xuôi. Có khoảng thời gian trời đổ mưa, chúng tôi được màn hò hét căng bạt che mưa khá vui, rất may cơn mưa không lớn và cũng qua mau. Trên vỏ lãi chúng tôi hò hét và hát vang, đây cũng là dịp chúng tôi hiểu nhau hơn.

< Cuối cùng sau 3 giờ lênh đênh chúng tôi đã tới được đất mũi.

< Pano hình cánh buồm, biểu tượng của đất mũi Cà Mau.

Mũi Cà Mau là một quần thể du lịch, được đầu tư xây dựng khá bài bản. Nơi đây có gắn mốc tọa độ quốc gia GPS0001, pano biểu tượng mũi Cà Mau và vọng lâm đài cao 20m ngắm được toàn cảnh dải đất mũi. Nghe nói mảnh đất này mỗi năm lấn ra biển từ 80 - 100m.

< Bờ kè vươn ra ngoài biển khơi.

Cây mắm và cây đước là hai giống cây chủ đạo của vùng đất bồi này bởi vì chúng có khả năng chịu mặn. Những khu rừng nguyên sinh với những bộ rễ cây kết bè kết tảng trông như tường thành bảo vệ vùng đất mũi. Chúng tôi cực kỳ ấn tượng với loài cua xanhh, mà nơi đây gọi là ba khía - nghe đâu có tên vậy vì nó có ba gạch trên lưng.

< Cơn giông nơi cực Nam Tổ quốc.

Và nếu có thời gian mà thưởng thức món ba khía rang sẽ rất tuyệt. Ngoài ra ở đây còn có loài cá thòi lòi, tuy nhỏ nhưng với hình dáng như quái vật. Đặc biệt hơn nữa là loài cá này có chân và hoàn toàn thở được trên cạn. Thế nên chúng chạy nhảy và bò rất nhanh trên các khu bùn lầy, nhìn rất lạ mắt.

< Toàn cảnh vùng đất mũi nhìn từ vọng lâm đài.

Theo như tôi được biết thì còn có một "cực Nam chuẩn" nằm cách mốc tọa độ vài km và chúng tôi quyết định đi vỏ lãi tới đây. Chúng tôi tới khu du lịch Khai Long, từng được xây dựng để thu hút du khách nhưng gần đây dường như bị bỏ hoang vì vắng vẻ. Cả đoàn đi dạo một vòng và ra tận dải đất bồi, nơi hướng về hòn Khoai.

< Tượng Phật trong khu du lịch Khai Long.

Một cảm xúc dâng trào khi được đứng trên dải đất tận cùng của Tổ quốc và không quên chụp hình lưu niệm trước khi ra về.

Chia tay đất mũi, chia tay Năm Căn chúng tôi thẳng tiến về thành phố Cà Mau nghỉ ngơi.

(còn tiếp)
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4

Phượt ký của Ngô Huy Hòa (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!

No comments:

Post a Comment