(Vnexpress) - Mê vùng đất phương Nam từ những trang văn của Đoàn Giỏi, ông Nguyễn Văn Phong (Chương Mỹ, Hà Nội) đạp xe hơn 2.000 km từ Hà Nội đến Cà Mau dù ông không phải là phượt thủ chuyên nghiệp.
< Ông Phong cán đích sau 19 ngày đạp xe từ Hà Nội vào đến đất mũi Cà Mau.
Trước đó, đều đặn mỗi buổi chiều, người dân thôn Nhật Tiến, xã Trường Yên (Chương Mỹ) thấy ông già đạp xe xuống trung tâm thành phố, dạo quanh hồ Trúc Bạch, đường Thanh Niên. Đó là ông Nguyễn Văn Phong, năm nay 62 tuổi.
< Hai vợ chồng ông Phong đều có sở thích đi du lịch.
Thời trẻ, ông Phong làm nông nghiệp, nuôi 7 người con ăn học. Giờ các con có cuộc sống gia đình riêng, vợ chồng ông mới được chút an nhàn. Ông thích đi đây đó, nhìn ngắm đất nước. Vùng đất phương Nam "mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh" là nơi ông luôn mơ ước được đặt chân đến.
Biết bố thích đi du lịch, các con muốn đưa bố mẹ đi chơi nước ngoài, nhưng ông Phong bảo Việt Nam chỗ nào cũng có cảnh đẹp, dành số tiền đó đi khắp đất nước đã. Ông tự mình lập kế hoạch đạp xe và tập xe trước đó nửa năm. Vợ con cũng ủng hộ cho kế hoạch của ông.
< Xuất phát từ Hà Nội lúc 5h30 sáng mùng 10 Tết 2014, ông Phong đi dọc theo quốc lộ 1A. Mỗi ngày ông đạp xe gần 200 km. Tới mỗi thành phố, ông dừng lại nghỉ ngơi và chụp ảnh lưu niệm. Qua Quảng Bình, ông đã tới thắp hương cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Hàng ngày, ông lấy chiếc xe đạp cũ của con gái út đạp quanh làng, rồi xuống tận trung tâm Hà Nội để sức khỏe thêm phần dẻo dai. Gần ngày xuất phát, con trai mua tặng ông chiếc xe đạp địa hình và điện thoại có chức năng dò bản đồ. Nhưng ông chỉ dùng nó để chụp ảnh bởi đã thuộc lòng cung đường Bắc - Nam. Ngày đi học, ông say mê môn địa lý và biết rõ địa danh từng miền.
< Cột cờ giới tuyến bên dòng Hiền Lương (Quảng Trị).
Mùng 10 Tết năm 2014, ông mang theo balô có đủ săm lốp dự phòng, bơm xe đạp và gấp gọn lá cờ tổ quốc trong túi. Xuất phát lúc 5h30 sáng, ông đạp một mạch tới thành phố Thanh Hóa mới dừng chân nghỉ. Để giữ sức, ông không ăn no quá, vừa đạp xe vừa ngắm cảnh. Sáng sớm ông đạp vài chục km tập thể dục rồi mới ăn sáng, sau đó tiếp tục hành trình.
Dọc đường là những câu chuyện, những địa danh kỳ thú mà theo ông Phong, nếu chẳng dám bước chân ra đi thì không bao giờ bắt gặp được. Chứng kiến vụ tai nạn ở thành phố Hà Tĩnh khiến ông bị ám ảnh mấy ngày, nghe tiếng còi ôtô là gai người, nhưng không hề có ý định bỏ cuộc.
< Bên cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải (Quảng Trị).
Đến Quảng Bình, ông Phong vào viếng mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cũng mua một bức ảnh đại tướng và cất cẩn thận trong túi, trong thâm tâm luôn nghĩ có đại tướng cùng hành quân nên càng có động lực để đạp xe.
Đến chân đèo Hải Vân khi trời nhá nhem tối và mưa lạnh, ông đành gửi xe đạp lên xe tải, còn mình bắt xe khách để qua hầm.
< Chiếc điện thoại con trai tặng và máy ảnh du lịch là phương tiện để ông lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ ở mỗi thành phố đi qua.
"Nếu đi ban ngày thì tôi sẵn sàng vượt đèo. Sung sướng nhất là vượt đèo Cả dài 12 km trong 2 tiếng. Đạp xe trên đèo gió lồng lộng, thi thoảng dừng lại nhìn ngắm bên là núi, bên là biển không còn điều gì tuyệt vời bằng", ông Phong nhớ lại.
< Dọc đường từ Hà Nội vào đến Lăng Cô (Huế), ông Phong đạp xe trong trời mưa tầm tã. Cuối cùng, ông cũng được chụp ảnh cùng cửu vị thần công trong kinh thành.
Những địa danh như thành cổ Quảng Trị, bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) không thuận đường, nhưng ông vẫn đạp xe đến thăm.
Bờ biển miền Trung dài và đẹp khiến ông liên tục dừng chân để ngắm. Biển Cà Ná (Ninh Thuận) theo ông là ấn tượng nhất, nước trong xanh không nơi nào bằng.
< Qua đèo Hải Vân tới Đà Nẵng khi trời đã tối, ông Phong đạp xe đi thăm 4 cây cầu rồi mới đi ăn uống, nghỉ ngơi.
Vợ và các con luôn gọi điện cổ vũ bố, con trai ông dặn nếu mệt quá thì bắt xe khách vào Sài Gòn. Ông trả lời, nếu vẫy xe khách thì đi thẳng về Hà Nội, coi như bỏ cuộc. Ngày thứ 15, ông vào tới Sài Gòn. Ở với các con đang sống ở đây nửa ngày, ông lại tiếp tục hành trình.
< Chụp ảnh cùng con gái. Ông Phong có 7 người con thì 6 người sinh sống và làm việc trong Nam.
Ngày thứ 18, ông đặt chân đến Cà Mau. Để đến được điểm cuối cùng trên dải đất hình chữ S, ông gửi xe đạp lên canô, vượt sông Cửa Lớn ra đất mũi và cán đích khi bước sang ngày thứ 19. "Hôm đó, tôi đến sớm, chạy lăng xăng chụp ảnh, sung sướng như một đứa trẻ con được quà. Lá cờ tổ quốc cất trong balô khi ấy mới có dịp tung bay trước gió", ông kể.
< Cầu Cần Thơ.
Ở lại đất phương Nam chơi vài ngày rồi ông đi máy bay về Hà Nội. Chi phí cho chuyến đi hết hơn 20 triệu đồng. Chiếc xe bị thủng xăm hai lần, ông tự vá luôn. Mua hết 46.000 đồng tiền thuốc chuẩn bị đi, nhưng ông không phải đụng đến một viên.
"Nửa chặng đường từ Hà Nội đến Lăng Cô (Huế) mưa tầm tã, liên tục 6 ngày, tôi phải đạp xe trong mưa gió, nhưng biết gần đến đích nên không thấy mệt. Lần trước đi xe máy từ Bắc vào Nam nhưng không thích bằng vì phải giấu các con", ông chia sẻ.
< Cán đích ở Km số 0, thành phố Cà Mau.
Tháng 7/2013, ông từng đi từ Bắc vào Nam bằng xe máy. Lần đó, vợ ông bay vào Sài Gòn chơi với các con. Ông ở nhà chăm mẫu ruộng, cấy hái xong xuôi và tự lên lịch chuyến đi cho mình.
Tới nơi, ông đón vợ rồi cùng nhau đi tới đất Mũi bằng xe máy, đi Hà Tiên ngắm mặt trời lặn, tắm biển Phú Quốc.
Bà Bùi Thị Uy, vợ ông, bảo chồng có ý định đi đâu, làm gì không bao giờ nói cho ai biết trước. Bà biết tính ông cẩn thận nên không lo lắng nhiều.
< Gửi xe đạp lên canô rồi vượt sông Cửa Lớn để ra điểm cuối cùng của đất nước. Chạm đất mũi Cà Mau sau 19 ngày rong ruổi trên xe đạp. Ông chia sẻ: "Niềm vui cán đích trong mỗi cuộc hành trình là cảm giác rất tuyệt. Trong cuộc đời mỗi người nên có ít nhất một chuyến đi, dù dài dù ngắn để được ngắm nhìn đất nước ta đẹp vô cùng".
Sau chuyến đi này, ông mong muốn chinh phục tiếp mảnh đất địa đầu Lũng Cú (Hà Giang) nhưng chưa có bạn đồng hành.
Giờ đây, bà vẫn chăm ruộng, còn ông thi thoảng chạy chợ buôn bán và đạp xe dạo chơi quanh thành phố. Mỗi năm vài lần, hai vợ chồng đều rủ nhau đi du lịch ở các tỉnh trong nước. Ông dự định đạp xe chinh phục Lũng Cú, Hà Giang, nhưng chưa có bạn đồng hành.
Theo Hoàng Phương (Vnexpress)
Du lịch, GO!
No comments:
Post a Comment