(TTO) - Lên đường
Tôi đã đem theo những đoạn luồng mẫu lấy từ Sầm Sơn và cả lạt tre dùng để buộc luồng khi đến gặp kỹ sư đóng tàu tại nhà Colin Mudie ở phía nam nước Anh.
< Người dân Thanh Hóa thực hiện những công việc cuối cùng của dự án bè tre vượt Thái Bình Dương.
Đầu tiên, Colin đưa ra bản thiết kế sơ bộ một mô hình bè tre (mảng) dài khoảng nửa mét, chính xác đến từng chi tiết. Tôi sẽ đem mô hình này đến gặp những người dân chài ở Sầm Sơn nhờ họ làm một mảng mẫu, với chiều dài bằng phân nửa mảng thật. Và chúng tôi cũng sẽ dùng mảng mẫu này để đi thử.
Ông Khiêm, chủ tịch UBND thị xã Sầm Sơn, đã đề cử những ngư dân lớn tuổi nhất trong xóm vì họ có nhiều kinh nghiệm. Thực tế họ tốn một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ ba tuần, để hoàn tất chiếc mảng thử nghiệm, sẵn sàng ra khơi.
Mảng phải bắt đầu chạy thử nghiệm, và cái vịnh nhỏ này là nơi duy nhất đủ an toàn để đậu mảng trong thời gian chúng tôi tiến hành các chuyến đi thử. Khi chúng tôi cố tình lật úp nó, mảng thử nghiệm vẫn không thèm lật cho đến khi nó bị nghiêng đến góc gần 80 độ. Điều đó làm chúng tôi thật sự hài lòng, và bù đắp cho nỗi thất vọng vì dù đã rất cố gắng, chúng tôi cũng không thể làm mảng chạy nhanh hơn một hải lý rưỡi/giờ, tức gần bằng tốc độ đi bộ vậy.
Một anh thợ mộc Sầm Sơn, người đã đóng các dầm ngang cho chiếc mảng mẫu, cũng là một trong số các thủy thủ tham gia chạy thử nghiệm. Người thợ mộc tuổi trạc 30 này vỗ vào ngực mình, chỉ vào tôi rồi chỉ ra phía chân trời ra hiệu rằng anh muốn tham gia chuyến du hành. Giờ đây, qua việc anh tham gia chạy mảng thử nghiệm, tôi còn nhận ra anh là một thủy thủ rất có năng lực, linh hoạt và nhiệt tình trong công việc. Trúc nói với tôi rằng người thợ mộc đó tên Lương Viết Lợi. Lợi đã lập gia đình, có ba con và rất muốn tham gia chuyến du hành này dù anh chưa bao giờ đi xa hơn Hà Nội.
Làm lễ cúng thần và hạ thủy
Tiến độ làm mảng nhanh một cách đáng ngạc nhiên. Chỉ đến đầu tháng 2, chiếc mảng trông giống như bộ xương một con cá trích khổng lồ với xương sống bằng tre và xương sườn bằng dầm ngang. Chỉ ba tháng sau, phần thân mảng được hoàn thành, và đội thi công đã dùng hết 46km dây mây và buộc hơn 3.000 mối. Dù với nhiều mối buộc như vậy, mảng vẫn rất linh động. Nếu bạn trèo lên mảng mà nhảy nhót, cả khối cấu trúc dài 18m, nặng khoảng 4 tấn này sẽ rung lên và cong lại như một cần câu cá bằng tre khổng lồ. Đây là điều nhà thiết kế Colin Mudie đã cố ý: chỉ bằng cách linh hoạt với sóng như vậy thì mảng mới chịu được sức mạnh của đại dương. Tôi chỉ hi vọng rằng tất cả sự mềm dẻo và vặn xoắn này sẽ không làm bứt 3.000 mối dây mây.
Gần đến ngày hạ thủy, chúng tôi phải chạy nước rút bởi vị sư trên chùa đã chọn được ngày lành để đưa mảng xuống biển. Sư ông đã chọn ngày 16-3, cũng là ngày làm lễ cúng thần Độc Cước năm đó. Lễ hạ thủy được tổ chức thành một sự kiện ăn mừng lớn của cả cộng đồng. Khi bầu trời đỏ rực của bình minh chuyển thành màu xanh trong, đó là lúc chúng tôi bắt đầu hành trình nửa dặm đi lên chùa. Tôi cũng mặc áo dài đen và đội khăn đóng. Mảng từ từ tiến về phía trước, bắt đầu động đậy và cuối cùng cũng được nâng lên khỏi mặt cát, chính thức trở thành thuyền sống.
Khởi đầu bình yên
Tôi đã chọn Hạ Long là nơi thực hiện bước tiếp theo của dự án vì nơi này gần với biên giới Trung Quốc, những ngư dân nơi đây vẫn sử dụng thuyền mành để đánh cá, và tôi muốn trang bị cho chiếc bè một bộ cánh buồm mành kiểu Trung Hoa cổ.
Ba tháng trước tại Hạ Long, Trúc và tôi đã đặt làm ba cánh buồm mành truyền thống ở chỗ ông Chính, một người thợ làm buồm. Ông Chính đã huy động vợ, chị em gái và những bà hàng xóm cùng làm buồm theo lối cổ xưa, mỗi đường may đều khâu bằng tay. Họ dùng loại chỉ dai nhất hiện có, ở Việt Nam là loại tơ tằm nguyên chất, để khâu những tấm bạt vải lại với nhau. Sau đó mỗi cánh buồm được xử lý bằng một dung dịch đặc biệt để tránh nấm mốc và mục nát. Dung dịch này được chế từ rễ củ nâu thái nhỏ, sau đó đem đun liu riu cùng với vải buồm từ 10-12 giờ. Buồm được lấy ra, phơi khô và đun lại lần nữa cho đến khi mỗi cánh buồm đã qua xử lý bốn lần. Giờ đây chúng lên một màu đỏ sậm tuyệt đẹp, giống như màu của cánh buồm trong những bức tranh xưa.
Giai đoạn ở Việt Nam của dự án đã kết thúc hết sức lạc quan vào ngày 10-4, khi chiếc bè rời Hạ Long đến Hong Kong. Tôi đã dự tính dành ba tuần ở Hong Kong để lắp đặt các thiết bị an toàn, chạy thử một vài lần nữa, và bắt đầu tích trữ lương thực cho chuyến đi. Chỗ thả neo tạm thời cho bè nằm giữa các du thuyền bóng lộn ở cảng Aberdeen, nơi đông đảo những tay phục vụ sửa chữa tàu thuyền ngang lưng giắt điện thoại di động hoặc máy nhắn tin, và những nhà hàng nổi rất lớn nhấp nháy các biển hiệu đèn neon và dòng chữ vàng chóe.
Ở đây tôi đã cố gắng đương đầu với những thủ tục giấy tờ cuối cùng, mua sắm thêm ít đồ dùng trong khi các thành viên cuối cùng của thủy thủ đoàn dần dần lộ diện. Nhóm chúng tôi gồm Joe, Lợi, Mark và tôi, bây giờ có thêm Geoffrey Dobbs - một thương gia Hong Kong thành đạt đã đi cùng tôi trong hai chuyến du hành trước đây. Trừ Lợi, tất cả chúng tôi đều cảm thấy như dân tập sự trong ngày 17-5 khi chúng tôi nhổ neo, giương buồm và bắt đầu ra khơi.
Đó là khởi đầu bình yên cho cả chặng đường dài và đầy nguy hiểm, từ điểm xuất phát ở Hong Kong băng qua eo biển Đài Loan, vòng lên phía đông bắc đến Nhật Bản. Từ đó, chúng tôi sẽ dấn thân vào chuyến đi thử nghiệm vĩ đại nhất: băng qua Thái Bình Dương, hướng đến Bắc Mỹ để kiểm chứng xem liệu một mảng tre có buồm, vốn được xem là phương tiện thủy chỉ đi ven biển, có sống sót qua hành trình xuyên đại dương hay không.
Còn tiếp
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4 - Kỳ 5 - Kỳ 6 - Kỳ 7
TIM SEVERIN
Đỗ Thái Bình - Vũ Diệu Linh dịch - Báo Tuổi Trẻ
Lời kể của ông Lương Viết Lợi:
< Ông Lương Viết Lợi hiện nay vẫn sống ở Thanh Hóa.
Sau sáu tháng đóng bè, đến tháng 3-1993 chiếc bè luồng dài 19m, rộng 6m, cao gần 1m, đạt tiêu chuẩn cho đoàn thám hiểm đã được ngư dân Sầm Sơn đóng xong. Ngày 16-3-1993, chiếc bè luồng này được hạ thủy thành công tại vùng biển khu vực đền Độc Cước (Sầm Sơn) trong niềm hân hoan, vui mừng của người dân và chính quyền địa phương. Sau đó, chiếc bè luồng được một con tàu kéo ra Quảng Ninh để lắp cột, cánh buồm. Đến ngày 17-5-1993, chiếc bè tre xứ Thanh cắm hai quốc kỳ của Việt Nam và Ireland bay phần phật trước gió, cùng các nhà thám hiểm giong buồm bắt đầu khởi hành từ Hong Kong vượt Thái Bình Dương hướng đến nước Mỹ.
Khi ông Tim Severin, trưởng đoàn thám hiểm, hỏi tôi: “Anh có dám vượt Thái Bình Dương cùng chúng tôi bằng bè luồng không?”. Tôi trả lời ngay: “Các anh đi được thì người Việt chúng tôi cũng đi được. Tôi rất vinh dự, tự hào cùng được đi với các anh trong chuyến thám hiểm có một không hai này”.
Chia tay người vợ trẻ và ba đứa con trai còn thơ dại (đứa lớn 7 tuổi, đứa nhỏ mới 8 tháng tuổi), tôi bước lên chiếc bè tre cùng đoàn thám hiểm vượt Thái Bình Dương vào đúng mùa bão gió. Nơi quê nhà, ngày nào vợ tôi cũng cầu khấn tổ tiên phù hộ cho người chồng ưa mạo hiểm pha chút lãng tử thuận buồm xuôi gió.
HÀ ĐỒNG ghi
Du lịch, GO!
No comments:
Post a Comment