(VHPG) - Chùa Thanh Quang tọa lạc tại thôn Thanh Khế, xã Thanh Trạch, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình được hình thành từ trong giai đoạn sơ khai của Phật giáo Quảng Bình.
Đó là từ thời Nhà Trần gã công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Chế Mân để đổi về hai châu Ô Lý rồi tiếp sau đó là thời nhà Lê mà điển hình là thời vua Lê Thánh Tông (1442-1497) đã có kế hoạch mở rộng đất nước về phương Nam.
Vào thời kỳ chúa Nguyễn chọn "Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân" thì Phật giáo tiếp tục là điểm tựa tâm linh chính để bình ổn nhân tâm và mở mang bờ cõi, một loạt những ngôi chùa đã được các thiền sư và người dân làng dựng lên tại Quảng Bình trong đó có chùa Thanh Quang.
Bác Nguyễn Văn Đảng, PD. Nguyên Niệm, trưởng ban xây dựng chùa Thanh Quang, năm nay đã 70 tuổi kể rằng từ ngày còn nhỏ, Bác đã được ông nội dẫn đến ngôi chùa này. Ông nội của bác cũng đã kể cho Bác nghe rất nhiều sự tích, điềm lạ về ngôi chùa Thanh Quang nầy. Theo bác ngôi chùa Thanh Quang xuất hiện và tồn tại tại vùng đất này ít nhất cũng đã trên 300 năm. Bởi từ đời ông nội bác thì ngôi chùa đã rất cổ kính rồi, dân làng đã ra sức bảo quản ngôi "chùa thiêng" của mình như bảo quản một "gia bảo"
Thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, chùa bị phá sập hoàn toàn. Sau khi nhà Nguyễn bình định đất nước thì Phật giáo Quảng Bình cũng được phục hưng, chùa Thanh Quang cũng được trùng tu.
Trong cuộc chiến tranh Pháp-Mỹ, chùa lại thêm một lần nữa bị bom đạn đánh sụp đổ hoàn toàn. Đến sau năm 1975 thì chùa chỉ con lại cái vòm cổng tam quan mà thôi, còn lại là một vùng đất hoang vu, cỏ dại mọc um tùm, bệ thờ nghiêng ngã...Phật giáo ở Quảng Bình trong thời gian nầy gần như là "vùng đất trắng", chùa chiền không có cơ hội để xây dựng lại, Tăng, Ni thì không ai đến để hoằng pháp, người dân, Phật tử thì cực khổ, lo làm lo ăn chứ chưa có điều kiện để đến chùa và tìm hiểu Phật pháp.
Từ thập niên 1990 trở lại đây, khi đời sống người dân Quảng Bình đã khá lên thì dân làng mới có điều kiện tìm hiểu chùa chiền và Phật pháp. Có nhiều người rất có đạo tâm đã vào Huế, ra Hà Nội...để tìm hiểu và trở về làng tìm cách vận động bà con dựng lại những ngôi chùa đã mất để làm nơi tu học hướng thiện cho bà con. Chùa Thanh Quang cũng được xây dựng lại trong hoàn cảnh đó.
Năm 1993, nhiều bà con dâng làng như bác Nguyễn Văn Đảng đã lặn lội ra Hà Nội, vào Huế tìm Thầy tham vấn, kiên trì nhẫn nại, vận động bà con, con cháu "tìm thầy học đạo" như thế cho đến năm 2007 thì cơ duyên mới chín muồi, bác và bà con dâng làng Thanh Khê mới động thổ, đặt viên đá xây dựng lại chùa Thanh Quang. Đến ngày 15/5/Kỷ Sửu thì hoàn thành và tổ chức lễ an vị Phật.
Tổng thể kiến trúc chùa Thanh Quang ngày nay rất khang trang và kiên cố. Từ ngoài vào, cổng tam quan rất đồ sộ, được thiết kế theo kiểu tam quan chùa Huế "thượng lầu hạ quan" với chất liệu bê tông cốt thép rất kiên cố, mái lợp ngói hài, sơn màu hiện đại. Đài Quán Thế Âm Cát rất đẹp, hình bát giác, có cổ lầu và nhiều giao long được đắp sành sứ rất công phu tinh xảo. Pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá cẩm thạch trắng được đặt tử Non Nước, Đà Nẳng rất trang nghiêm...
Ngôi Chánh điện chùa Thanh Quang có lối kiến trúc rất lạ. Có lẽ do quỹ đất khiêm tốn nên đã có lối kiến trúc rất lạ. Ngôi tiền đường chạy dài vượt qua hai nóc của hai lầu chuông trống, đẩy hai lầu chuông trống nhô ra phía trước trông rất mạnh mẻ. Bên trên trang trí rồng chầu Pháp luân và mái bê tông sơn màu đỏ dã ngói.
Hầu hết chùa được đúc bằng bê tông rất kiến cố, bên trong chánh điện thiết kế theo dạng vòm và trang trí đèn điện rất "Tây". Không gian hành lễ khoảng 100m2. Chánh điện thờ Phật Bổn Sư Thích Ca, bên tả thờ Bồ tát Quán Thế Âm, bên hữu thờ Bồ tát Địa Tạng. Bệ và bàn thờ được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng. Phía sau thờ chư Tổ và chư hương linh tiền bối hữu công.
Theo bác Đảng để làm được ngôi chùa, bác và bà con đã đi vay mượn dân làng và tư nhân Phật tử. Nhờ đạo tâm của bà con dâng làng rất mạnh, mọi người sẵn sàng ủng hộ, người thì cúng dường, người thì cho vay mà không nhận lãi...nên công việc xây dựng được diễn ra thuận lợi.
Khi ngôi chùa đã bắt đầu thành hình thì đạo tâm của bà con càng mạnh, các hạng mục còn lại như cổng tam quan, đài Quán Âm...đều được những Phật tử hảo tâm phát nguyện cúng dường, cho đến tường thành, sân vườn nhà tăng, nhà bếp, hệ thống phụ... do đó lần lượt được hoàn thiện khang trang như hiện nay.
Theo Vườn Hoa Phật Giáo
Du lịch, GO!
No comments:
Post a Comment