Tuesday, April 1, 2014

Du ký miền Tây (P3)

(Tiếp theo) - Sáng ngày thứ 3, chúng tôi thưởng thức món bánh tầm xíu mại - món ăn đặc trưng của miền Tây khá giống bún trộn ngoài miền Bắc, có khác chăng ở nước xốt đậm đà, đặc hơn và tất nhiên là vị ngọt hơn nhiều.

< Món bánh tầm xíu mại và ly cà phê sáng.

Lịch trình : Cà Mau - hòn Đá Bạc (40km) - rừng U Minh (15)- Cà Mau (20km) – Cần Thơ (140km).

Chúng tôi đi thăm vài địa điểm tại Cà Mau, đó là hòn Đá Bạc và rừng U Minh. Hòn Đá Bạc là cụm hai hòn đảo nằm gần đất liền và hiện có cầu bắc từ đất liền ra đảo rất thuận tiện tham quan. Nơi đây có khung cảnh đậm nét hoang sơ với vô số những tảng đá hình thù độc đáo xếp chồng nên nhau tạo thành những bàn chân, bàn tay thiên tạo…

< Hệ thống kênh rạch dày đặc cùng những cây cầu tre gỗ đặc trưng.

< Cây cầu độc đạo nối đất liền với khu du lịch hòn Đá Bạc.

Bên cạnh đó, nơi đây cũng giống một ốc đảo xanh với hệ sinh thái rừng phong phú. Hòn Đá Bạc cũng in đậm những dấu tích lịch sử về một thời cách mạng.

< Những hòn đá tảng xếp chồng với nhiều hình thù độc đáo.

Hòn Đá Bạc có diện tích khoảng 6,34 ha, gồm các hòn nằm liền nhau là hòn Trọi, hòn Ông Ngộ và hòn Đá. Trên các hòn có một số đỉnh đồi cây cối chen vào các hốc đá, mọc um tùm.

< Con đường lộng gió cùng sóng biển bên ven đảo.

Quanh hòn, hàng ngàn viên đá granit đủ mọi kích cỡ nằm chồng lên nhau với nhiều hình thù kỳ lạ như những bàn tay, bàn chân Tiên, giếng Tiên, sân Tiên.

< Đây cũng là khu di tích lịch sử cách mạng.

Đứng từ chỗ mua vé vào hòn Đá Bạc (15.000 đồng/vé), Ấn tượng đầu tiên là con đường vào Hòn Đá Bạc - một cây cầu có chiều dài chừng 400 mét vượt biển, được phân rõ hai chiều cho xe vào và ra.

Hòn Đá Bạc có hai cụm đảo chính. Nhìn xa, hai cụm đảo như đôi gò bồng đảo của một thiếu nữ xuân thì. Cả hai cụm đảo đều xanh ngắt một màu cây cỏ, được bao quanh bởi những bờ đá granite đẹp tuyệt vời.

< Cuộc sống người dân nơi đây gắn liền với kênh rạch, sông nước.

Hòn Đá Bạc nằm trong eo biển hẹp với nhiều bãi gềnh đá chìm nổi theo thủy triều nên là nơi trú ẩn của nhiều loài hải sản. Vì vậy, nhiều du khách đến hòn Đá Bạc để câu cá làm thú vui thư giãn.

< Những ngôi chòi lá với cộng đồng dân cư thưa thớt quanh rừng.

< Trèo lên tháp quan sát giữa rừng U Minh.

Đường đi rừng U Minh nằm bên những kênh rạch chằng chịt và dày đặc. Các khu dân cư bên bờ được nối với nhau bằng những cây cầu lớn nhỏ. Những cây cầu tre và cả bê tông nhỏ chỉ một người một xe qua lọt và ghe thuyền ở dưới thì phải khéo léo lèn lách. Đặc biệt nữa là những cây chuối ở đây phát triển to lạ thường.

< Những cánh đồng cỏ hay rừng tràm, đước bạt ngàn tít tắp.

Rừng U Minh là khu rừng ngập mặn độc đáo với những cây đước, cây tràm bạt ngàn. Những cây tràm lớn nhỏ tựa vào nhau vươn lên vững chãi như những bức tường thành.

Tuy nhiên chúng tôi vẫn vô cùng thất vọng, có lẽ vì ấn tượng quá mạnh từ nét hoang sơ của rừng U Minh trong phim Đất phương Nam.

< Con đường nhỏ giữa rừng U Minh.

Điều này thể hiện ở việc đang loay hoay tìm đường thì được biết mình đã đang ở giữa rừng rồi, khiến cả đoàn hết sức bất ngờ.

< Người dân nơi đây vô cùng thân thiện.

Đi trên con đường nhỏ, bên những hàng cây thẳng tắp, chúng tôi đến tháp quan sát và được ngắm phần nào toàn cảnh khu vực quanh đây.

Do đoàn đi Hòn Đá Bạc nên bị muộn, thời gian đi rừng vì thế rất gấp. Không thể đủ thời gian đi sâu và tìm hiểu, đi ghe ngắm cảnh, bắt rắn, cá nướng ăn nữa.

< Những cánh đồng ngập nước, phủ kín thảm cỏ năn tượng trập trùng trong gió.

< Loài cỏ này mọc tự nhiên và có tác dụng lọc nước, giảm ô nhiễm mỗi mùa nuôi hải sản.

Buổi chiều, chúng tôi quay lại thành phố qua chợ mua đồ rồi theo đường Quản Lộ về Cần Thơ. Trên đường, tôi đặc biệt chú ý đến những cánh đồng ngập nước, được phủ kín những thảm cỏ năn tượng trập trùng trong gió.

< Những cánh đồng lúa đã ngả màu vàng.

Được biết cỏ năn tượng còn có tên gọi khác là hến biển, thuộc họ lác, là loài mọc tự nhiên trong các đầm lầy vùng ven biển, giúp giữ lại lớp phù sa, ổn định nhiệt độ nước và làm giảm ô nhiễm cho vùng nuôi tôm.

Những cánh đồng ở đây nghe nói là nuôi cá trong mùa nước nổi, và hết vụ thì mọi người lại nhổ cỏ năn tượng để bắt đầu trồng lúa.

Cuối đường Phụng Hiệp là những cánh đồng lúa đã ngả màu vàng, cảnh sắc rất đẹp. Lúa ở đây không phân thành thửa ruộng nhỏ và trồng với mật độ dày đặc nên trông giống một thảm màu ngút ngàn dài vô tận.

< Món bánh xèo cùng lẩu cháo cá lóc độc đáo.

Trên con đường thông thoáng giữa cánh đồng với những làn gió mát sẽ rất dễ làm bạn buồn ngủ và khó làm chủ tay lái. Có lẽ vì thế mà dọc bên đường chúng tôi bắt gặp nhiều những quán cà phê võng bên đường, đây cũng là đặc trưng miền Tây. Tất nhiên là chúng tôi không thể cưỡng lại những chiếc võng và ly cà phê thơm đó.

Cà phê ở đây được đựng trong cốc to như cốc bia và với rất nhiều đá, có lẽ nó dùng để giải khát nhiều hơn. Tuy vậy đong đưa bên những chiếc võng và thưởng thức những ly cà phê thơm đã giúp chúng tôi tỉnh táo hơn trên hành trình.

< Quang cảnh đêm đầy sắc màu trên cầu Cần Thơ.

Chúng tôi đến Cần Thơ khi trời đã tối và nhanh chóng tìm được nhà nghỉ bình dân gần bến Ninh Kiều. Tối đến chúng tôi được thưởng thức món bánh xèo, lẩu cháo cá lóc thật ngon. Đặc biệt là món bánh xèo to gần bằng cái mâm với đủ các loại rau đặc trưng nơi đây.

Ban đêm, đi dạo trên cầu Cần Thơ ngắm sông Hậu cũng rất tuyệt.

(còn tiếp)
Kỳ 1 - Kỳ 2 - Kỳ 3 - Kỳ 4

Phượt ký của Ngô Huy Hòa (iHay.Thanhnien)
Du lịch, GO!

No comments:

Post a Comment