(BCB) - Đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo chúng ta không những được tìm hiểu truyền thống lịch sử với nhiều điểm di tích mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh.
< Chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo phân bố trên địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám (Nguyên Bình), là trung tâm hệ thống các di tích lịch sử cách mạng liên quan đến sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ), bao gồm 5 điểm di tích: Di tích Khu rừng Trần Hưng Đạo; hang Thẳm Khẩu; đồn Phai Khắt; Vạ Phá, xã Tam Kim và di tích đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nơi lưu trữ những địa danh, hiện vật gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng, có giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam; gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cuộc đời hoạt động của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Là nơi chứng kiến ngày thành lập Đội và diễn biến hai trận đánh đầu tiên đồn Phai Khắt và đồn Nà Ngần.
Rừng Trần Hưng Đạo là một khu rừng nguyên sinh, diện tích 201,7 ha. Khu rừng có 4 điểm di tích: Địa điểm thành lập Đội VNTTGPQ (22/12/1944); lán nghỉ và bếp ăn của Đội VNTTGPQ; mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt cho Đội VNTTGPQ; Đỉnh Slam Cao - nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy Đội VNTTGPQ đặt trạm quan sát.
Đến với khu rừng Trần Hưng Đạo, hình ảnh đầu tiên là bức phù điêu 34 chiến sỹ trong buổi lễ thành lập Đội VNTTGPQ. Trước bức phù điêu có 1 khoảng sân nhỏ lát đá, các đoàn khách về nguồn thường làm lễ báo công tại đây. Từ bức Phù điêu 34 chiến sỹ đi theo con đường bê tông với những bậc cao dần, hai bên là những cây cổ thụ cao rợp bóng; đi khoảng 200 m đến ngã ba rẽ phải xuống khoảng 10 bậc là khu đất bằng nơi ghi dấu sự kiện thành lập Đội VNTTGPQ.
< Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng).
Đến đây, chúng ta không khỏi xúc động khi bắt gặp hình ảnh cây sau sau già, nơi giương cao lá cờ đỏ sao vàng chứng kiến sự ra đời của Đội VNTTGPQ. Tại địa điểm này, năm 1994 đã dựng một nhà Bia trung tâm. Vị trí trung tâm đặt bia ghi dấu sự kiện, 4 mặt bia chữ vàng khắc toàn văn bản Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ; 10 lời thề danh dự do đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc trong lễ tuyên thệ (sau này trở thành lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam); danh sách 34 chiến sỹ.
Nằm cách nhà bia trung tâm khoảng 30m, con đường với những hàng cây cổ thụ rợp bóng đưa chúng ta đến địa điểm 2 dãy nhà nghỉ - bếp ăn được cải tạo xây dựng, mô phỏng lán nghỉ của Đội VNTTGPQ. Đối diện lán nghỉ là dãy nhà bếp ăn của Đội VNTTGPQ, đến đây chúng ta sẽ được nghe kể về bữa ăn đạm bạc trong buổi đầu thành lập Đội, thể hiện tinh thần quyết tâm, ý chí chiến đấu đánh thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Từ khu lán nghỉ - bếp ăn theo con đường nhỏ xuống khoảng 50m chúng ta nhìn thấy một mỏ nước, nơi lấy nước sinh hoạt của Đội VNTTGPQ. Tại đây xung quanh vẫn còn những cây sấu cổ thụ Đội VNTTGPQ đã dùng lá và quả để phục vụ sinh hoạt hằng ngày.
Từ nhà bia trung tâm, tiếp tục chinh phục những bậc đá cao dần, qua 505 bậc chúng ta đến đỉnh Slam Cao, cao nhất của núi Dền Sinh. Từ đây có thể quan sát các hướng, nhìn thấy đồn Phai Khắt, làng Phai Khắt, núi Thẳm Khẩu, đồn Nà Ngần, đồn Benle bên đường số 3B trên đường đến đèo Cao Bắc, nên đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban chỉ huy Đội đã nghiên cứu đặt trạm quan sát. Tại đây, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp quan sát để đưa ra các phương án đánh đồn Phai Khắt. Ngoài ra, đây còn là khuôn viên dành cho du khách nghỉ chân để tận hưởng không khí trong lành với những cơn gió lộng để quên hết những mệt mỏi sau khi chinh phục được đỉnh núi.
< Đỉnh Slam cao, ngày xưa là chốt canh gác của Đội VNTTGPQ trong rừng Trần Hưng Đạo.
Sau khi chinh phục đỉnh Slam Cao, chúng ta quay trở lại làng phai Khắt, từ trung tâm làng Phai Khắt theo đường mòn đi bộ khoảng 500m đến hang Thẳm Khẩu. Ở lưng chừng núi, hang Thẳm Khẩu sâu khoảng 03 m, dài khoảng 12m, có thể trú được khoảng 40 người. Hang khô, thoáng, trong hang có nhiều mô đá nhỏ gồ ghề, địa điểm này rất bí mật, thuận lợi cho việc quan sát và nhận thông tin liên lạc. Bên phải hang có một phiến đá to, tương đối bằng phẳng, được sử dụng làm bàn để vẽ sơ đồ chuẩn bị đánh Đồn Phai Khắt, Nà Ngần.
Trong giai đoạn năm 1941 - 1944, hang Thẳm Khẩu được sử dụng làm trạm liên lạc, đưa cơm phục vụ cho các đồng chí hoạt động cách mạng, đặc biệt là nơi tập trung của Đội VNTTGPQ vào ngày 24/12/1944 để chuẩn bị đánh Đồn Phai Khắt.
< Chiều 22/12/1944 34 đội viên VNTTGPQ đã ăn một bữa cơm chiều trước khi vào trận đánh đồn Phai Khắt.
Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng trần Hưng Đạo còn hai địa điểm ghi dấu chiến công oanh liệt, mưu trí đầu tiên của Đội ngay sau ngày thành lập. Đó là Đồn Phai Khắt, xã Tam Kim và Đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám.
Đồn Phai Khắt là nơi chứng kiến trận đầu ra quân của Đội VNTTGPQ (25/12/1944). Đồn là nhà của đồng chí Nông Văn Lạc được xây dựng từ năm 1940. Từ đây có 3 đường đi các ngả, về phía Nam đi Ngân Sơn (Bắc Kạn), về phía Đông Bắc đi Nà Ngần và một con đường độc đạo ra châu lỵ Nguyên Bình. Năm 1943, thực dân Pháp đã chiếm nhà của đồng chí Nông Văn Lạc để làm đồn. Hiện nay, Đồn Phai Khắt đã được tu sửa trở thành Nhà trưng bày bổ sung của khu di tích. Nơi đây có trưng bày hình ảnh, hiện vật tái hiện buổi lễ thành lập Đội VNTTGPQ.
Từ trung tâm làng Phai Khắt rẽ trái theo đường ô tô liên xã (Tam Kim - Hoa Thám) khoảng 20 km chúng ta đến di tích Đồn Nà Ngần.
Đồn Nà Ngần thuộc xã Cẩm Lý, nay là xã Hoa Thám (Nguyên Bình), là nơi ghi dấu trận đánh thứ 2 giành thắng lợi của Đội VNTTGPQ (26/12/1944). Đồn Nà Ngần nằm trên một đồi cao, địa thế hiểm trở, từ ngoài vào phải qua mấy thung lũng. Địch chọn nhà của ông Nông Văn Pảo (tức Phó Lý Pảo) làm một đồn lính. Nhà của Phó Lý Pảo là ngôi nhà sàn kiên cố nhất trong bản, có hàng rào kín mấy lớp xung quanh.
Hiện nay ngôi nhà cũ không còn, chỉ còn bãi đất hoang nhân dân sử dụng trồng hoa màu. Địa điểm đồn Nà Ngần đã dựng nhà bia ghi dấu chiến công oanh liệt của Đội.
Di tích Vạ Phá thuộc xóm Bản Um, xã Tam Kim là một thung lũng rộng tương đối bằng phẳng ngay chân đồi Slam Khẩu, phía trước có thể nhìn thấy cánh đồng Bản Um và đường vào khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, phía sau là đồi Slam Khẩu xuống xã Thượng Ân (Ngân Sơn, Bắc Kạn). Là nơi kín đáo, xa dân. Tại đây Tổng bộ Việt Minh Cao Bằng đã mở lớp huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho toàn tỉnh do các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Lê Thiết Hùng phụ trách vào tháng 2/1944. Lớp huấn luyện quân sự là bước chuẩn bị về lực lượng, góp phần tích cực vào việc thành lập Đội VNTTGPQ. Hiện nay, Vạ Phá còn dấu tích lán trại của lớp học quân sự, tại đó vẫn còn những hòn đá cuội để kê chân giường.
Đến với Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo chúng ta không những được tìm hiểu truyền thống lịch sử với nhiều điểm di tích mà còn được khám phá, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu rừng nguyên sinh. Nơi đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ, khí hậu mát mẻ quanh năm, thu hút hàng ngàn khách du khách trong và ngoài nước đến tham quan di tích lịch sử, thưởng ngoạn thắng cảnh và du lịch sinh thái đầy thú vị và ý nghĩa.
Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo ngày càng được quan tâm đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đang tôn tạo một số hạng mục trong khu di tích.
Theo Hoàng Lệ (báo Cao Bằng)
Du lịch, GO!
No comments:
Post a Comment